Ghost of Tsushima – Như những cơn thần phong Kamikaze, đội kỵ binh cảm tử 80 chiến binh samurai lao thẳng vào quân đoàn Nguyên Mông vừa đặt chân lên bờ biển Tsushima…
Rạp mình trên yên ngựa, giữa tiếng nhạc xung trận oai hùng, người chơi “rùng mình” choáng ngợp với tiết tấu nhanh, với sự dẫn dắt lôi cuốn ngay từ những cảnh đầu của Ghost of Tsushima!
Và bạn biết không, đó chỉ mới là khởi đầu của một trò chơi hành động thế giới mở đầy cuốn hút, mà khi chưa ra mắt đã bị nhiều ánh mắt hoài nghi dò xét vì lo sợ một “bản sao” thường thấy của những game nổi danh tương tự nào đó, chưa kể còn bị ánh hào quang đầy “rắc rối” của The Last of Us Part 2 vẫn còn “ám” trên các nhóm thảo luận mạng xã hội Facebook, Reddit…
Như một chiến binh samurai can trường, chiến đấu đến giây phút cuối cùng, Ghost of Tsushima sẽ là một dấu chấm dứt khoát, kết thúc tốt đẹp cho sự chuyển giao thế hệ của PlayStation 4 trước một thời đại console mới!
Hãy leo lên lưng ngựa và cùng Vietgame.asia rong ruổi trên những vùng đất của các võ sĩ đạo và chứng kiến cách họ thuyết phục chúng ta!
THẾ GIỚI MỞ ĐỦ “CHÍN”
Một bản đồ thế giới rộng lớn chia làm nhiều vùng, với nhiều địa điểm khám phá như làng mạc, thành quách sống động kèm theo các nơi bí ẩn.
Rất nhiều mảng thực vật đẹp mắt, vô số công trình kiến trúc đặc trưng cho từng khu vực mà người chơi đi qua.
Hàng loạt nhiệm vụ lớn, nhỏ rải đầy khắp nơi như “rải đinh”, nhiều tới mức lặp đi lặp lại và người chơi thực thi như một con robot.
Bạn thấy quen không?
Đây là “công thức” đã đem đến sự phổ thông hóa mà Ubisoft “thí nghiệm” trong các game của mình nhiều năm qua, nhất là dòng game Assassin’s Creed.
Không quá khó để thấy Ghost of Tsushima “học” từ dòng game sát thủ những thứ kể trên và bất ngờ thay, trò chơi lại không trở thành một cỗ máy “nghiền” người chơi vào vòng quay lặp lại vô cảm!
Thay vào đó, game biết cách cân bằng mọi yếu tố, mang lại cảm nhận con người hơn.
Hòn đảo Tsushima được chia thành ba khu vực lớn nhỏ khác nhau, mỗi khu vực được phân bổ số lượng vừa đủ các thành phố – công trình trọng điểm, những làng mạc rải rác và các nơi khám phá cần thiết.
Các loại địa điểm này cũng tương ứng với hệ thống nhiệm vụ hấp dẫn và lôi cuốn của Ghost of Tsushima, gồm ba phần: Jin’s Journey, Tales of Tsushima và Mythic Tales.
Nếu “Jin’s Journey” xoáy vào mạch truyện chính, với những sự kiện lớn như đánh thành, giải nguy tù binh, tấn công trại lính lớn, v.v. thì “Tales of Tsushima” mang đến các nhiệm vụ phụ từ những NPC hỗ trợ và các nhiệm vụ nhỏ thuộc dạng lặt vặt.
Và cuối cùng là “Mythic Tales”, là những nhiệm vụ săn tìm các báu vật như giáp, kiếm truyền thuyết nhằm hỗ trợ mạnh hơn cho người chơi.
Nếu chỉ có vậy thì thiếu gì game thế giới mở ngoài kia chả có?
Cái mà các game đó thiếu là sự liên kết chặt chẽ theo lớp lang và sự dẫn dắt lôi cuốn, và Ghost of Tsushima triển khai rất tốt!
Ví như để làm các nhiệm vụ chính, Jin’s Journey, người chơi cần phải có sự hỗ trợ của các NPC quan trọng, cần có một số kỹ thuật chiến đấu hộ thân cũng như vật dụng hỗ trợ nhất định thì phải viện đến hai phần nhiệm vụ: Tales of Tsushima và Mythic Tales, không thể tự ý “solo” vào một thành quách lớn và “làm gỏi” tất!
Bạn có thể “cân” tất một thành to như trong Assassin’s Creed Odyssey một cách dễ dàng bằng nhiều trò ma mãnh (dù chưa đủ cấp hay vật dụng hỗ trợ) nhưng sẽ không “dễ xơi” trong Ghost of Tsushima khi quân địch đông, hung hãn một cách lạ thường trong chiến đấu, trùm thì nhanh nhẹn và đầy chiêu thức, chưa kể vài chỗ kịch bản ra tay “ngăn cản” (chẳng hạn có vùng biên “tàng hình” không được vượt qua, nếu không sẽ nạp lại nhiệm vụ hệt như kiểu trừng phạt của các game bắn súng chơi mạng, điển hình như Battlefield 1).
Khi đã đủ các yêu cầu thì Jin’s Journey chắc chắn sẽ tưởng thưởng cho bạn những màn chiến trận kịch tính, các pha đấu trùm căng thẳng dữ dội, cũng như khai phá câu chuyện chống quân Nguyên Mông hấp dẫn của chàng samurai Jin Sakai!
Còn Tales of Tsushima?
Đừng tưởng đây chỉ là những nhiệm vụ trường kỳ, mang tính “robot hóa” mà ta thường thấy trong các game của Ubisoft.
Ghost of Tsushima mang đến chuỗi các nhiệm vụ dành riêng cho những NPC sẽ theo hỗ trợ Jin Sakai được xây dựng kỹ càng.
Lai lịch, tư thù, tính cách của mỗi nhân vật sẽ dần được mở ra qua những câu chuyện lắt léo, đầy tính nhân văn.
Các nội dung này không quá sâu sắc đến mức độ “nhân – quả” nuối tiếc như The Witcher 3 nhưng cũng không hời hợt theo kiểu “thoại ba xu” của Assassin’s Creed để khi chơi xong người chơi cũng quên mất NPC đó là ai, mà đủ để người chơi thấu cảm cùng nhân vật và cuộc đời bi kịch của họ.
Và với Mythic Tales, chúng ta lại được thưởng thức các câu chuyện dân gian huyền bí qua những hình ảnh vẽ bằng mực độc đáo, trải nghiệm cảm giác leo trèo, tìm tòi kho báu, điều tra dấu vết các kiểu mà chẳng phải những phần chơi của Ezio năm nào đã từng có (sau đó biến mất trong những bản sau) đó sao?
Cuối cùng, trên đường theo đuổi những nhiệm vụ trên, qua đối thoại, qua vô tình khám phá, người chơi sẽ gặp các nhiệm vụ theo kiểu lặt vặt mang lại phần thưởng cho nhân vật chính (tăng máu, điểm danh tiếng, v.v.) và Ghost of Tsushima không làm chúng ta thất vọng với một loạt hoạt động “ngoại khoá” thú vị như thổi sáo, làm thơ, chém tre, tắm hơi, sưu tầm, v.v.
Chúng hiện ra một cách tự nhiên, vừa đủ, mà còn thêm vào chút cảm xúc thú vị cho người chơi!
RANH GIỚI ĐEN – TRẮNG, NHẤT KIẾM TẤT SÁT!
Bạn sẽ là một samurai chân chính, đường hoàng thách đấu kẻ thù, một chấp tất cả hay sẽ hành thích đối thủ theo những cách đen tối, hèn hạ mà các lãng khách (ronin), các nhẫn giả (ninja) không nề hà để đạt được mục tiêu?
Đó cũng là lựa chọn mà Ghost of Tsushima dành cho lối chơi chiến đấu của game.
Trò chơi mang đến cho người chơi hai hướng xây dựng nhân vật: một kiểu samurai anh dũng, đánh trực diện và một kiểu “bóng ma” ám sát đối thủ bất kể danh dự.
Với kiểu chơi samurai, người chơi sẽ học cách đỡ đòn, né đòn, phản đòn quen thuộc của Sekiro: Shadows Die Twice, tất nhiên với độ khó giảm một nửa, thuần thục chúng sẽ mang đến cho chúng ta những pha giao đấu đẹp mê người.
Đó có thể là một pha lách nhẹ người khi đối thủ hùng hục lao tới rồi thúc kiếm hạ thủ, một nhát kiếm “ngọt” xoẹt ngang khi kẻ địch chưa kịp nhận ra mình đã đi đời, hay một cú xoạc đốc kiếm theo phương ngang lấy mạng kẻ thủ ác trong tíc tắc…
Còn với kiểu chơi ám sát, hình bóng của Assassin’s Creed lởn vởn đâu đây.
Đó có thể là núp trong một bụi cỏ lau và bất chợt vồ lấy đối thủ, là cú phi thân từ trên nóc nhà xuống đất và hạ thủ “ăn ba” một lúc, hay một pha tung người bay từ trên lưng ngựa vào giữa đám tuần binh Mông Cổ khí giới sáng ngời, v.v.
Thật không khó để nhận ra, kiểu chơi ám sát được các nhà phát triển game ưu ái hơn nhiều, khi mang đến nhiều kỹ thuật chiến đấu cũng như ám khí hỗ trợ (phi tiêu, bom khói, bom nổ, v.v.).
Dù chúng ta chọn kiểu chơi nào đi nữa thì cuối cùng vẫn phải thuần thục một mảng kỹ năng thứ ba được sử dụng rất thường xuyên: Stances (các thế đánh).
Các Stance gợi nhớ đến kiểu chơi của Nioh, khi mỗi thế thủ kiếm sẽ là một kiểu “trị” đối thủ khác nhau, kết hợp với cách đỡ, né và phản đòn tương tự Sekiro: Shadows Die Twice làm cho những trận chiến căng thẳng của game trở thành các màn thi triển kiếm thuật đẹp mắt!
Đây là một nhánh phát triển nhân vật cực quan trọng, giúp người chơi giải vây giữa “rừng lính” nguy hiểm và giảm bớt sự nguy hiểm của những pha đối đầu trùm cực kỳ căng thẳng.
Có vẻ “chưa thoả mãn” với chiến đấu, chưa “đủ ác” với người chơi, Ghost of Tsushima còn tung ra nhiều bất ngờ làm người chơi “bối rối”: những cuộc đấu tay đôi theo kiểu cao bồi Viễn Tây, những pha rượt đuổi phá vòng vây trối chết chỉ để bảo vệ con tin, NPC không phải là những kẻ bất tử như thường thấy, v.v.
Từng bước, từng bước, những điều không ngờ, không tưởng của Ghost of Tsushima sẽ được hé mở chờ đón người chơi!
MỘT NƯỚC NHẬT MỘNG MƠ…
Hay nói chính xác hơn là sự lãng mạn tuyệt vời của những nhà phát triển game ở Sucker Punch!
Là một game lấy đề tài lịch sử chiến tranh nhưng rất ít khi chúng ta bắt gặp những gam màu đỏ-vàng đại diện cho sự tàn khốc, cho sự hủy diệt đau thương (Sekiro: Shadows Die Twice là một đặc trưng) trong Ghost of Tsushima.
Thay vào đó là là phong cách chỉ đạo nghệ thuật rất đẹp, rất lãng mạn của Ghost of Tsushima: những mảng màu nổi bật, thích mắt khắp mọi nơi, tạo nên một bức tranh yên bình tổng thể của nước Nhật dẫu rằng chiến tranh đang diễn ra khốc liệt.
Đó là những cánh đồng hoa trắng muốt, là các khu rừng trúc rào rạt xanh rì và vô số khung cảnh lá phong đỏ, vàng tung bay đầy màn hình, đẹp như tranh vẽ !
Không thể không kể đến những ngôi làng dân dã ẩn mình bên bờ suối nước nóng an nhiên và các ngôi đền, chùa có kiến trúc tỉ mẩn mê hoặc lòng người…
Cái đẹp còn được tô điểm bởi sự luân chuyển ngày và đêm một cách hài hòa trong cuộc hành trình của người chơi, khi thêm vào những nét huyền bí, mờ ảo của ánh trăng, của các đèn hoa đăng hay ánh lửa lập lòe trong đêm!
Nhưng điểm nhấn đỉnh cao về mỹ thuật làm người viết thích nhất chính là những cơn gió mộng mơ mang đủ màu sắc!
Chúng hiện diện mọi nơi, đi theo bước chân của bạn và cuốn theo mọi thứ (lá, hoa, cát, khói, v.v.), làm cho khung cảnh trở nên sống động, ngắm mãi không chán!
Các cơn gió còn là những kẻ dẫn đường tự nhiên mà rất nghệ thuật cho người chơi khi chỉ vuốt nhẹ Touchpad của tay cầm là chúng xuất hiện dẫn lối, thay cho những đường kẻ chỉ dẫn “vô hồn” trong một game sát thủ nào đó…
Gió còn là chứng nhân cho những khoảnh khắc đối đầu nghẹt thở của các samurai, lướt qua những thân xác vừa ngã xuống…
Một cảm giác rất dễ chịu và ấm áp mà trò chơi mang lại!
Và hẳn nhiên, đừng quên công dụng của chức năng Photo Mode: hãy để nó được dịp hoạt động “hết công suất” và lưu lại những cảm xúc trải qua, bạn nhé!
Nguồn : VIET GAME